Đêm đêm, hàng chục thanh niên tập hợp lại biểu diễn văn nghệ, reo ca những bài hát cách mạng, tạo không khí hân hoan, vui tươi cho người dân chào mừng đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng BR-VT. Đó là không khí của phong trào văn nghệ ở Vũng Tàu cách đây 40 năm.

“Được biểu diễn văn nghệ mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng BR-VT là ký ức tôi không thể nào quên. Tôi còn nhớ, đêm ấy, trời mưa lất phất nhưng người dân tập trung xem văn nghệ rất đông. Trước đám đông, tôi độc tấu đàn Mandolin bài “Tiểu đoàn 307”, trong lòng vừa hào hứng vừa lo lắng và run sợ. Biểu diễn xong, bà con hoan hô, vỗ tay rào rào và khen “thằng bé mới 10 tuổi mà giỏi thật”-nhạc sĩ Thiên Toàn, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh nhớ lại buổi biểu diễn văn nghệ đặc biệt vào đêm 1-5-1975. Nhạc sĩ Thiên Toàn cho hay, khi ấy, anh còn quá nhỏ để hiểu về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, về giải phóng BR-VT nhưng tận sau này, ký ức về một biển người đông như kiến, ai nấy đều hồ hởi, vui mừng, cười nói rôm rả và hào hứng xem văn nghệ luôn khắc ghi sâu đậm trong anh. Đó là không khí của người dân BR-VT trong khoảnh khắc mừng chiến thắng vĩ đại của quê hương, đất nước trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược.
Nói về duyên được biểu diễn văn nghệ trong thời điểm đặc biệt đó, nhạc sĩ Thiên Toàn kể, 7 tuổi, anh được ba dạy chơi đàn Mandolin nên lên 10 tuổi, anh chơi đàn thành thạo. Sau khi BR-VT được giải phóng, thị xã Vũng Tàu (cũ) tổ chức buổi biển diễn văn nghệ để mừng chiến thắng, nhưng do đội văn nghệ thị xã Vũng Tàu không kịp tập, chuẩn bị nên thiếu nhiều tiết mục. Vì vậy, anh được ba nhạc công của đội văn nghệ dẫn đi biểu diễn cùng. “Đoàn biểu diễn tại địa điểm là trụ sở Công an phường 1 hiện giờ. Chỉ duy nhất tôi là thiếu nhi, còn đội văn nghệ toàn thanh niên, người lớn cả. Sân khấu cũng không có bục, tôi lại thấp bé nên phải đứng lên ghế để biểu diễn và run lắm”-nhạc sĩ Thiên Toàn bồi hồi nhớ lại.
Sau chiến thắng 30-4-1975, phong trào văn nghệ của thị xã Vũng Tàu được gầy dựng và phát triển. Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy BR-VT, Bí thư Chi bộ trường Đại học BR-VT, cán bộ lão thành cách mạng là người đầu tiên đứng ra tập hợp đội văn nghệ. Ông Khánh kể lại, sau khi giải phóng BR-VT, (từ 17 giờ ngày 26-4 đến 13 giờ ngày 30-4-1975), ta tiếp quản các cơ sở căn cứ của địch ở Vũng Tàu làm trụ sở sinh hoạt của các tổ chức chính trị, xã hội. Trong đó, căn nhà kiểu kiến trúc cổ Pháp (hiện là trụ sở UBND phường 1, đường Trần Hưng Đạo) là nơi tập hợp, sinh hoạt của đội văn nghệ thuộc Thị Đoàn Vũng Tàu. Vào những buổi họp dân, họp khu phố, sinh hoạt chính trị ở Vũng Tàu, đội văn nghệ được mời đến để ca hát nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con. Ông Khánh nhớ lại: “Trong khí thế hừng hực và tinh thần 30-4, tôi huy động đông đảo người dân tham gia phong trào văn nghệ, ai cũng mừng và nhiệt tình lắm. Ngoài nhạc sĩ Sông Trà, đội chủ yếu là thanh niên địa phương, số ít là người lớn tuổi, thậm chí, có những người trong ca đoàn nhà thờ cũng tham gia. Họ tự nguyện đem đàn, trống, tự tập luyện với nhau để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của bà con. Trong các buổi biểu diễn, chương trình cũng không được tập duyệt trước, cứ “cây nhà lá vườn”, ai biết đàn, hát gì thì biểu diễn nấy”.

Phong trào văn nghệ ở Vũng Tàu nhộn nhịp nhất là từ tháng 5 đến tháng 8-1975. Trong thời gian này, đội văn nghệ tập trung ca hát ở UBND phường 1. “Sau ngày giải phóng, tàn dư chiến tranh nên đất nước ta còn nghèo, chưa có phương tiện giải trí gì nên văn nghệ được nhân dân đón nhận nhiệt tình. Đêm đêm, tại trụ sở UBND phường 1 luôn rộn ràng, người dân qua lại, tập trung thưởng thức văn nghệ rất đông. Những bài hát cách mạng: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Giải phóng miền Nam, Đất nước trọn niềm vui… được các “ca sĩ” không chuyên của đội “học lỏm” từ đài phát thanh ca vang, tạo không khí rộn ràng ở Vũng Tàu.
“Ngoài phục vụ nhu cầu thưởng thức tinh thần của người dân, phong trào văn nghệ là cách để tập hợp quần chúng, vừa lồng ghép sinh hoạt chính trị, giáo dục cách mạng qua những lời ca, tiếng hát. Sau những buổi sinh hoạt văn nghệ, Thị Đoàn Vũng Tàu còn tổ chức nói chuyện cách mạng, qua đó, giáo dục lý tưởng, đường lối cách mạng, tinh thần yêu nước cho thanh niên và người dân Vũng Tàu. Đó cũng là tạo ra hào khí, tinh thần yêu nước trong người dân thời bấy giờ”-ông Trần Văn Khánh nói.
40 năm trôi qua, quê hương đã đổi thay nhiều, phong trào văn nghệ ở Vũng Tàu phát triển sôi nổi so với trước, nhưng ký ức về phong trào văn nghệ những ngày đầy giải phóng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người từng tham gia biểu diễn và gầy dựng phong trào.
THI PHONG (19/04/2015)