Nghệ sĩ hướng về biển Đông

Trong thời gian biển Đông “dậy sóng”, người dân Việt Nam đã thể hiện tình yêu với biển đảo bằng nhiều hình thức khác nhau. Nằm trong dòng chảy đó, tình yêu với biển đảo được giới văn nghệ sĩ BR-VT thể hiện bằng những câu thơ, nốt nhạc, lời ca… chất chứa đầy cảm xúc.

Nhạc sĩ Thiên Toàn đang phối khí bài hát “Hát về Hoàng Sa- Trường Sa”.

Nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vừa có chuyến công tác tại Trường Sa vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, đúng dịp biển Đông “dậy sóng” sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Như hàng triệu trái tim người dân Việt Nam, nhà thơ Lê Huy Mậu cũng phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Được trải nghiệm thực tế cuộc sống trên quần đảo Trường Sa, với những “chất liệu sống ngồn ngộn” trong thời gian đi công tác, ông đã sáng tác 3 bài ký, 4 bài thơ về Trường Sa. “Tôi cảm nhận được rằng, từ những gốc cây, ngọn cỏ, từng mầm cây phong ba, cây bàng vuông đến những bãi cát trải dài trên các đảo Sinh Tồn, Đá Lát, Song Tử Tây… là phần máu thịt thiêng liêng, khẳng định chủ quyền Tổ quốc”. Như để chứng minh điều mình nói, nhà thơ ngồi ngân nga những vần thơ mới: “Đến Trường Sa bí, bầu thành huyền tích/Giữa đảo san hô bí, bầu làm láng giềng với phong ba, bão táp/Bí, bầu như cũng mang ý chí Việt Nam… Một dây bí, dây bầu, một liếp rau quê kiểng/Cũng góp công gìn giữ chủ quyền!” trong bài thơ Trường Sa dây bí, dây bầu.

Biển, đảo cũng là nguồn cảm hứng với nhiều nhạc sĩ. Nhạc sĩ Thiên Toàn, Trưởng ban Âm nhạc (Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh) chia sẻ: “Trong không khí sục sôi tinh thần yêu nước của toàn dân hướng về biển Đông, lòng tôi cũng chất chứa đầy cảm xúc. Những tâm trạng, tình cảm dồn nén bấy lâu trong tôi đã hóa thành những cung bậc cảm xúc trên phím đàn, nốt nhạc. Trong một lần cảm xúc dâng trào, tôi cho ra đời “đứa con” tinh thần “Hát về Hoàng Sa-Trường Sa” trong khoảng 10 phút”, dù đã ấp ủ trước đó cả tháng trời chưa viết”. Bài hát với những ca từ đầy khí thế mạnh mẽ, những nốt nhạc khi hào sảng, lúc ngân vang, dồn dập… nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo như: “Chúng tôi hát về Hoàng Sa. Chúng tôi hát về Trường Sa. Chúng tôi hát về đảo xanh của ta… Hoàng Sa, Trường Sa”.

Bên cạnh đó là những tình cảm của hậu phương gửi về miền biên cương, ca ngợi những người chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng biển, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc: “Thương anh người chiến sĩ trẻ, suốt ngày đêm bám biển quê hương. Thương anh vượt bao sóng gió, gian khó xem thường, anh vẫn kiên cường bảo vệ biên cương…”. Bài hát với hai phiên bản (dành cho lứa tuổi thiếu nhi và người lớn) đã được đông đảo thính giả đón nhận. Hiện trên trang nghe nhạc trực tuyến mp3.zing.vn, bài hát “Hát về Hoàng Sa-Trường Sa” của nhạc sĩ Thiên Toàn đã có hơn 640 lượt người nghe kể từ ngày đăng tải (21-6).

Ngoài ra, nhiều nhạc sĩ khác của BR-VT cũng sáng tác về biển, đảo trong thời gian này như: Nguyễn Hồng Sơn với “Gửi Trường Sa”, “Lời của đảo” và “Hát qua bộ đàm”; Minh Huề với “Tiếng vọng biển Đông”; Trần Thanh Bình với “Giữ lấy biển trời Việt Nam”… Được biết, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tập hợp và phát hành album với khoảng 70 bài hát về biển, đảo, về ngư dân và người dân BR-VT, để phổ biến rộng rãi và khơi dậy tình yêu biển đảo trong công chúng.

Theo lãnh đạo Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, việc sáng tác tuyên truyền về biển, đảo là nhiệm vụ thường xuyên nhằm cổ vũ, động viên tinh thần các chiến sĩ thuộc lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam đang ngày đêm thực thi pháp luật trên thực địa và nhân dân huyện đảo Trường Sa; đồng thời góp tiếng nói chung vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta. “Hội sẽ vận động, khuyến khích các hội viên sáng tác nhiều hơn về biển đảo; đăng tải các tác phẩm mới về biển đảo lên website của Hội; đồng thời sẽ tập hợp các tác phẩm có nội dung về biển đảo để in thành sách trong thời gian tới”, nhà thơ Lê Huy Mậu cho biết thêm.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG (20/07/2014)